Rối loạn lipid máu là thế nào? Tổng hợp những thông tin quan trọng
Thẩm định nội dung
Bác sĩ Tạ Thị Hồng Duyên
chuyên khoa I sản - phụ khoa tại đa khoa Quốc Tế Hà Nội
Chịu trách nghiệm kiểm duyệt chuyên môn bài viết
Thăm khám trực tiếp 1 - 1 với chuyên gia của chúng tôi. Cam kết bảo mật tuyệt đối 100%
Rối loạn máu lipid là bệnh lý rối loạn chuyển hóa có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh. Bệnh có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, song phổ biến hơn cả ở người cao tuổi, người thừa cân, béo phì hoặc mắc các bệnh mãn tính. May mắn là bệnh lý này hoàn toàn có thể phòng ngừa, kiểm soát được nếu bệnh nhân tuân thủ các chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Vậy, nguyên nhân rối loạn máu lipid do đâu? Điều trị rối loạn máu lipid bằng phương pháp nào an toàn, hiệu quả? Để giải đáp vấn đề này, mời bạn cùng tham khảo bài viết của phu-khoa.com dưới đây.
Rối loạn lipid máu là gì?
Lipid máu (còn gọi là mỡ máu) có vai trò cung cấp năng lượng cho tế bào, hỗ trợ quá trình tổng hợp hormone và cần thiết cho các hoạt động sống của cơ thể. Lipid máu chứa nhiều thành phần nhưng chủ yếu là cholesterol, triglyceride và một số thành phần khác. Trong đó:
- Cholesterol LDL là cholesterol xấu, chúng góp phần hình thành nên các mảng bám tại mạch máu, gây xơ vữa động mạch, đột quỵ…
- Cholesterol HDL là cholesterol tốt vì chúng bảo vệ thành mạch, loại bỏ các cholesterol xấu ra khỏi máu.
- Triglyceride là chất béo trung tính trong máu. Chúng được hình thành và phát triển do lượng calo không được đốt cháy ngay lập tức. Chất béo trung tính ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu mức HDL thấp và triglyceride cao thì sẽ làm tăng sự tích tụ chất béo trong động mạch.
Rối loạn lipid máu là tình trạng mất cân bằng giữa cholesterol xấu và cholesterol tốt. Cụ thể, lượng cholesterol xấu trong máu tăng cao còn cholesterol tốt giảm xuống, khiến chất mỡ máu tích tụ tại các mạch máu, gây xơ vữa động mạch, thu hẹp lòng động mạch, từ đó tăng nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim, đột quỵ, gan nhiễm mỡ… Đây là tình trạng vô cùng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh. Để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra, cần phát hiện sớm rối loạn lipid máu và kiểm soát bệnh bằng cách giảm các yếu tố nguy cơ.
Dấu hiệu nhận biết rối loạn máu lipid
Theo các chuyên gia, rối loạn máu lipid là một quá trình chuyển biến sinh học kéo dài, diễn ra từ từ và gần như không thể nhận biết được nếu không thực hiện xét nghiệm mỡ máu.
Khi người bệnh nhận biết các triệu chứng bệnh thì tình trạng rối loạn máu lipid đã diễn biến nặng, nồng độ cholesterol xấu trong máu tăng cao trong thời gian dài khiến mạch máu bị xơ vữa, làm giảm lưu thông máu đến các cơ quan. Nhiều trường hợp không xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào, người bệnh chỉ phát hiện rối loạn máu lipid khi điều trị biến chứng tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… Một số triệu chứng điển hình khi bị rối loạn máu lipid là:
- Đau thắt ngực, cảm giác căng tức, nặng ngực như bị bóp nghẹt lại. Cơ đau có thể lan ra 2 cánh tay và sau lưng.
- Tim đập nhanh, khó thở hoặc thở ngắn, dốc
- Tê bì các dấu ngón tay, ngón chân, đôi khi có cảm giác đau buốt.
- Đầy bụng, khó tiêu do rối loạn máu lipid ảnh hưởng đến chức năng gan và tụy
- Hoa mắt, chóng mặt, vã mồ hôi, buồn nôn
- Cơ thể mệt mỏi, thậm chí là ngất xỉu
- Xuất hiện các nốt u màu vàng hình vòng tròn, bằng phẳng, chạm vào thấy mềm ở mí mắt, gân gót chân, gân duỗi các ngón tay, ngón chân…Đôi khi chúng có thể mọc tại vùng củ chày xương, đầu dương của mỏm khuỷu. Các nốt này nằm rải rác hoặc mọc tập trung tại một khu vực.
- Ngoài các biểu hiện trên, rối loạn lipid máu có thể biểu hiện tại các cơ quan nội tạng như gan, tụy, tim, thận, gây ra tình trạng nhiễm lipid võng mạc, xơ vữa động mạch, gan nhiễm mỡ, viêm tụy cấp…
Nguyên nhân rối loạn máu lipid
Chia sẻ về nguyên nhân gây bệnh, các bác sĩ chuyên khoa cho biết: Bên cạnh yếu tố di truyền, chế độ dinh dưỡng, lối sống không khoa học và các bệnh lý chuyển hóa, nội tiết là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng rối loạn máu lipid.
Rối loạn máu lipid do di truyền
Di truyền là nguyên nhân gây rối loạn máu lipid nguyên phát. Những người có tiền sử gia đình từng gặp tình trạng này có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những người khác. Lý do là vì họ được thừa hưởng những đột biến gen làm thay đổi việc sản xuất và loại bỏ các thành phần trong lipid máu. Trường hợp sản xuất quá mức chất béo trung tính và LHL cholesterol (cholesterol xấu) hoặc sản xuất quá ít, đồng thời loại bỏ quá mức cholesterol HDL thì nguy cơ rối loạn lipid tăng cao.
Điều đặc biệt là rối loạn lipid máu do di truyền thường gặp ở trẻ em và những người trẻ tuổi với hai trường hợp chính l tăng triglycerid tiên phát và tăng lipid máu hỗn hợp.
Rối loạn máu lipid do lối sống không khoa học
Theo nghiên cứu, hầu hết trường hợp mắc bệnh rối loạn máu lipid xuất phát từ thói quen sinh hoạt và ăn uống không hợp lý:
- Chế độ ăn uống không lành
Chế độ ăn uống không khoa học trong một thời gian dài là nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến bệnh mỡ máu. Khi dung nạp quá mức các chất béo bão hòa, cholesterol xấu , chất béo không lành mạnh chuyển hóa từ đồ ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, mỡ động vật… đã làm hàm lượng cholesterol xấu và triglycerid trong máu tăng cao.
Ngoài ra, chế độ ăn nhiều thịt, ít chất béo không bão hòa lành mạnh trong rau xanh, trái cây, dầu thực vật… có thể làm mất cân bằng lượng cholesterol xấu và cholesterol tốt trong máu, gây rối loạn máu lipid
- Thừa cân, béo phì
Nhiều nghiên cứu cho biết những người có chỉ số khối cơ thể BMI > 30 hoặc có số eo lớn (phụ nữ từ 89cm, nam giới từ 102cm trở lên) có nguy cơ mắc bệnh rối loạn máu lipid cao hơn những người có chỉ số BMI và vòng eo thấp, nằm trong mức độ cho phép.
- Lười vận động
Lười vận động không chỉ gây tăng cân, béo phì mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rối loạn máu lipid và nhiều bệnh lý tiềm ẩn khác. Khi cơ thể không vận động, lượng calo không được đốt cháy ngay lập tức sẽ hình thành chất béo trung tính trong máu (triglyceride).
Dù triglyceride ít ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng nếu mức HDL cholesterol tốt thấp và chất béo trung tính trong máu tăng cao sẽ dẫn đến tình trạng tích tụ mỡ trong động mạch, dẫn đến xơ vữa và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
- Hút thuốc lá
Mọi sản phẩm thuốc lá đều có hại cho sức khỏe người hút và những người xung quanh. Nghiên cứu đã chỉ ra có hơn 100 chất hóa học độc hại có thể làm giảm lượng HDL cholesterol tốt trong máu. Không chỉ người hút trực tiếp bị ảnh hưởng, những người hút thuốc lá thụ động có nguy cơ tổn thương thành mạch máu, mỡ máu, dẫn tới xơ vữa động mạch và nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác.
Do bệnh lý
Rối loạn máu lipid có thể là biến chứng của một số bệnh lý sau:
- Bệnh tiểu đường (đặc biệt là tiểu đường type 2)
- Bệnh lý về thận như suy thận, hội chứng thận hư
- Bệnh lý về gan như suy gan, xơ gan cổ trướng, gan ứ mật
- Bệnh suy giáp do lượng hormone tuyến giáp thấp
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Hội chứng chuyển hóa
- Hội chứng Cushing
Bên cạnh đó, việc sử dụng một số loại thuốc như retinoid, thiazide, corticoides, thuốc chẹn beta giao cảm, estrogen, progestin, cyclosporin… có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu.
Những đối tượng có nguy cơ bị rối loạn máu lipid
Những đối tượng có nguy cơ cao mắc chứng rối loạn máu lipid là:
- Người cao tuổi
- Người thừa cân, béo phì
- Những người ít vận động
- Phụ nữ đang mang thai hoặc trong thời kỳ mãn kinh
- Phụ nữ sử dụng estrogen trong thời gian dài
- Phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang
- Bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường, đặc biệt là tiểu đường type 2
- Bệnh nhân mắc các hội chứng chuyển hóa, hội chứng Cushing
- Người có lượng hormone tuyến giáp thấp, mắc bệnh suy giáp
- Bệnh nhân mắc bệnh thận, bệnh gan mãn tính (suy thận, suy gan, xơ gan)
- Người thường xuyên hút thuốc lá hoặc nghiện rượu
- Những ai có thói quen ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn chiên xào, dầu mỡ, ăn nhiều thịt, ít rau xanh và trái cây.
- Các bạn trẻ có người thân (đặc biệt là bố, mẹ, anh chị em) mắc bệnh rối loạn lipid máu.
Nếu bạn đang là một trong những trường hợp trên, hãy xây dựng lối sống khoa học, tuân thủ các quy định về chế độ dinh dưỡng lãnh mạnh cũng như theo dõi sức khỏe của cơ thể để phát hiện sớm các triệu chứng rối loạn lipid máu. Khi có biểu hiện bất thường, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám và hỗ trợ điều trị kịp thời.
Rối loạn máu lipid có nguy hiểm không?
Rối loạn máu lipid nguy hiểm thế nào? Rối loạn máu lipid ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe người bệnh là vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều người. Giải đáp vấn đề này, bác sĩ chuyên khoa cho biết: Khi bị rối loạn máu lipid, hàm lượng mỡ máu tăng cao sẽ hình thành nên các mảng bám, khiến thành mạch tổn thương và xơ vữa. Theo thời gian, các mảng bám xơ cứng lại sẽ thu hẹp lỗ mở động mạch và cản trở quá trình lưu thông máu. Khi các mảng bám này vỡ ra sẽ hình thành những cục máu đông gây tắc nghẽn thậm chí chặn dòng chảy của máu đến các cơ quan trong cơ thể.
Tình trạng này vô cùng nguy hiểm. Nếu các cục máu đông làm tắc nghẽn một trong hai động mạch vành cung cấp máu cho tim sẽ dẫn đến nhồi máu cơ tim, suy tim, thậm chí gây đột quỵ, nhồi máu não nếu xảy ra tại một trong những động mạch đến não.
Nhiều bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau tức ngực, méo miệng, liệt nửa người… và được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim, suy tim, đột quỵ… Đây là những biến chứng nghiêm trọng của rối loạn máu lipid. Khi đến giai đoạn này, tiên lượng bệnh nhân rất xấu, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ sống thực vật, thậm chí là tử vong.
Một biến chứng khác của tình trạng rối loạn máu lipid là gan nhiễm mỡ. Gan đóng vai trò chuyển hóa lipid. Nếu lượng cholesterol trong máu vượt quá khả năng chuyển hóa của gan thì lượng mỡ trong máu sẽ tồn đọng tại gan.Khi mỡ chiếm hơn 5% so với trọng lượng gan, mỡ sẽ chen lấn các tế bào gan, khiến chức năng gan bị suy giảm. Hệ quả là gan bị thương tổn, dẫn đến viêm gan, xơ gan, thậm chí là ung thư gan.
Chỉ số triglyceride tăng cao khi bị rối loạn máu lipid chiếm 7% các trường hợp mắc bệnh viêm tuyến tụy cấp. Đây cũng là nguyên nhân thứ ba dẫn đến bệnh lý này, chỉ sau lạm dụng rượu bia và sỏi mật. Theo các bác sĩ, viêm tụy cấp là bệnh lý nguy hiểm với tỷ lệ tử vong ở những trường hợp nặng lên tới 20-25%.
Khi mắc bệnh, bệnh nhân sẽ có triệu chứng đau bụng trên rốn đột ngột, cơn đau lan sang vùng ngực, hai mạn sườn, mức độ đau dữ dội và kéo dài nhiều giờ. Kèm theo biểu hiện buồn nôn, nôn, chướng bụng, đầy hơi, khó thở… Viêm tụy cấp cần được thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu không, bệnh sẽ dẫn đến biến chứng suy thận, tổn thương, nhiễm trùng phổi, viêm tụy mãn tính, thậm chí là ung thư tuyến tụy.
Phương pháp chẩn đoán rối loạn máu lipid
Tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lipid máu được áp dụng tại các bệnh viện hiện nay là xét nghiệm mỡ máu. Xét nghiệm này giúp bác sĩ đo lường hàm lượng cholesterol và chất béo trung tính trong máu, từ đó đánh giá nguy cơ tích tụ mỡ máu trong động mạch.
Tuy nhiên, các chỉ số trên sẽ thay đổi mỗi năm nên những ai thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh nên làm xét nghiệm mỡ máu định kỳ. Trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị rối loạn máu lipid sẽ được chỉ định làm xét nghiệm máu thường xuyên hơn để kiểm soát mỡ máu và điều chỉnh thuốc phù hợp.
Cách điều trị rối loạn máu lipid
Về phương pháp điều trị rối loạn máu lipid, các bác sĩ cho biết: Người bệnh có triệu chứng rối loạn lipid máu cần đến ngay cơ sở y tế thăm khám và thực hiện xét nghiệm mỡ máu. Sau khi xác định chính xác nguyên nhân bệnh lý, bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp điều trị phù hợp. Nguyên tắc xây dựng phác đồ điều trị rối loạn lipid máu là sử dụng thuốc điều chỉnh lượng cholesterol trong cơ thể kết hợp với thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh. Một số loại thuốc hỗ trợ quá trình điều trị như:
- Trường hợp hàm lượng LDL cholesterol trong máu cao, bệnh nhân sẽ được dùng một số loại thuốc nhóm Statin
- Trường hợp hàm lượng LDL cholesterol và Triglyceride đều cao, người bệnh sẽ dùng thuốc Fribat trước đề ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm. Khi nồng độ Triglyceride giảm dưới mức 500mg%, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc Statin liều cao. Nếu sau 4-6 tuần mà không đạt mục tiêu điều trị, bệnh nhân được sử dụng gấp đôi liều dùng hiện tại.
Lưu ý: Người bệnh sử dụng thuốc điều trị rối loạn máu lipid cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian sử dụng. Tuyệt đối không tự mua thuốc về điều trị hoặc ngừng thuốc khi chưa có chỉ định của chuyên gia. Bởi việc sử dụng thuốc sai cách có thể khiến tình trạng bệnh tiến triển nặng và gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh phương pháp điều trị nội khoa, chế độ ăn uống khoa học và giảm cân (đối với người béo phì) được chứng minh có khả năng giảm đáng kể mức cholesterol trong máu. Vậy rối loạn máu lipid nên ăn gì? Bệnh nhân mắc chứng rối loạn máu lipid nên ăn nhiều rau củ, trái cây, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt để cung cấp nhiều vitamin, chất xơ và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đồng thời đào thải các cholesterol xấu ra ngoài. Người bệnh nên bổ sung các loại rau củ quả giàu chất chống oxy hóa như bông cải xanh, cải bó xôi, khoai lang, cà rốt, củ dền, trái ổi, cam, táo… nhằm ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh mạch vành.
Ngoài ra, người bệnh cần duy trì chế độ ăn ít ngọt, ít mặn, giảm tiêu thụ lượng chất béo bão hòa, thay vào đó là các chất béo không bão hòa lành mạnh từ dầu thực vật, các loại bơ, các loại đậu và hạt…
Cách phòng tránh rối loạn máu lipid
Mặc dù rối loạn máu lipid có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng chúng ta có thể phòng tránh căn bệnh này bằng cách chế độ ăn uống khoa học lối sống lành mạnh:
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thực phẩm đạm lành mạnh …
- Không ăn thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồ ăn chiên xào nhiều dầu mỡ
- Không nên ăn nội tạng động vật, mỡ động vật
- Hạn chế uống rượu bia, nước ngọt có gas và hút thuốc lá
- Duy trì cân nặng hợp lý. Nếu thừa cân, béo phì, cần áp dụng các biện pháp giảm cân an toàn
- Tăng cường tập luyện thể dục, thể thao để tăng cường sức khỏe và nâng cao sức đề kháng
- Khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần. Những người có nguy cơ mắc rối loạn máu lipid nên xét nghiệm lipid máu định kỳ để tầm soát bệnh.
- Điều trị dứt điểm hoặc kiểm soát chặt chẽ các bệnh lý hiện có
Rối loạn lipid máu tiến triển trong âm thầm với những triệu chứng không rõ ràng, khiến người bệnh chủ quan, mất cảnh giác. Nhưng khi bùng phát, căn bệnh này lại là thủ phạm tước đi sinh mạng của hàng ngàn bệnh nhân. Vì thế, việc khám sức khỏe và xét nghiệm mỡ máu định kỳ là việc làm quan trọng và cần thiết, đặc biệt là những đối tượng có nguy cơ cao như người cao tuổi, người thừa cân, béo phì…